Chuyển thể tác phẩm Văn Miếu – Nhà Điêu khắc Điềm Phùng Thị

Quá trình thực hiện dự án

Điềm Phùng Thị – Phùng Thị Cúc là một nghệ sĩ tiêu biểu của điêu khắc Việt Nam và Pháp thời hiện đại. Bà đến với nghệ thuật điêu khắc khá muộn, khi đã là một bác sĩ – tiến sĩ, nhưng đã sớm nổi tiếng ở Pháp và châu Âu bởi sự độc đáo bởi “7 mẫu tự” – ngôn ngữ điêu khắc riêng của bà.

chuyển thể tác phẩm Văn Miếu của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị

Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc sinh ngày 18 tháng 8 năm 1920 tại Châu Ê, xã Thủy Bằng, Thừa Thiên Huế. 

Sau hơn 10 năm hành nghề bác sĩ, năm 1959, Phùng Thị Cúc đã bắt đầu đến với nghệ thuật điêu khắc. “Đầu những năm 60, chiến tranh ở quê nhà diễn ra rất ác liệt. Cảnh chết chóc được truyền hình chiếu đi chiếu lại, làm cho đầu óc ai cũng căng thẳng. Để giữ thăng bằng, tôi đi học võ, học làm đồ gốm để thoát ra khỏi sự chật hẹp của cái mồm của nghề răng! Một hôm đi ngang qua một cái xưởng nặn tượng đất sét, tôi dừng lại đó rồi không đi đâu khác nữa. Hình như, có một sức hút nam châm thu hút tôi, giữ tôi lại. Tôi không xác định được tôi tìm đến điêu khắc hay điêu khắc đã chọn tôi…” – Đây là một quyết định táo bạo làm thay đổi cuộc đời của bà. Trải biết bao thăng trầm nhọc nhằn để trở thành bác sĩ/tiến sĩ và một cuộc sống bình yên, nhưng bà đã để lại phía sau để đến với điêu khắc vì một nỗi khắc khoải với quê hương đang đau khổ vì chiến tranh, vì bà nhìn thấy nghệ thuật có thể giúp bà cất lên tiếng nói vì quê hương, vì Tổ quốc. Bà tự tin thay đổi chính mình vì “không thể suốt đời chỉ sống trong 36 cái răng trong miệng”. Bà khát khao muốn làm điều gì đó để lòng tự tôn dân tộc được lên tiếng bằng nghệ thuật và nhân cách của mình.

Năm 1963, ở Paris, Điềm Phùng Thị mở cuộc triển lãm đầu tiên và được công chúng nồng nhiệt đón nhận. GS. Madi Menier của Đại học Paris 1 – Sorbonne đã đánh giá: “Lần đầu tiên không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng – trong số biết bao nhà tạc tượng từ Viễn Đông đến Paris – giành được chỗ đứng cho châu Á ngay trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris. Tác phẩm của một nghệ sĩ bậc thầy và tác phẩm tiên tri. Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể, hiếm có, tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật Điềm Phùng Thị, một phong cách sáng tạo độc đáo, hoàn toàn mới mẻ, chỉ có ở bà” (Madi Menier, Diem Phung Thi “Lettré(s) de science et de talent” – 1997).

Từ sau cuộc triển lãm ra mắt đó cho đến năm 1990, Điềm Phùng Thị đã tổ chức 22 cuộc triển lãm ở châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Ở nước Pháp, bà được mời dựng tượng đài ở 36 địa điểm. Năm 1991, tên Điềm Phùng Thị được đưa vào từ điển Larousse Art du XX sìecle. Năm 1992, bà được bầu vào Viện hàn lâm Khoa học – Văn nghệ châu Âu. Ở Việt Nam, Điềm Phùng Thị đã 2 lần triển lãm, ở Sài Gòn (1962) và Hà Nội (1978).

Điềm Phùng Thị – trên hành trình nghệ thuật của mình chủ yếu dành sáng tạo cho 3 chủ đề là phụ nữ và trẻ em, phản đối chiến tranh và sự nhớ thương quê hương Việt Nam.

Về ngôn ngữ tạo hình, bà đã đi từ tượng tròn với góc nhìn đậm chất nữ tính và đã có những dấu ấn riêng với quan điểm thẩm mỹ về sự hài hòa, gợi cảm từ thân thể người phụ nữ, cảm thức tươi mát, trinh nguyên và tinh tế, những khối hình và đường nét uyển chuyển mềm mại, chủ yếu mô phỏng các hình tượng thường thấy trong đời sống được thể hiện bằng các hình thể đã đơn giản hóa đến mức cao độ nhưng ẩn chứa sự nhạy cảm diệu kỳ, phảng phất nét huyền bí Đông phương. Nghệ thuật tượng tròn thuở ban đầu của bà với những hình thể tinh túy chắt lọc đến mức cô đọng khái quát thành những “thành tố đơn giản, dễ làm, tránh được nguy cơ biến dạng” (Điềm Phùng Thị) đã dự báo một phong cách mang tinh thần trừu tượng với những khái niệm tính siêu việt. Từ các hình khối vuông, hình thang, chữ nhật, hình tròn… bà tạo ra 7 module đặc hữu mà người ta gọi là  “7 chữ cái Điềm Phùng Thị” (nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat), “7 nốt nhạc Điềm Phùng Thị” (GS. Trần Văn Khê)… Bà đã lắp ghép/biến hóa những module ấy thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng biến ảo và thấm đẫm triết lý Đông Phương, mang thương hiệu độc quyền Điềm Phùng Thị.  Đó là “ngôn ngữ Điềm Phùng Thị”, là thế giới của “7 mẫu tự”.

Các tác phẩm của Điềm Phùng Thị phần lớn được lắp ghép từ các modul theo những cấu trúc cơ bản của design thị giác bằng nhiều chất liệu khác nhau theo nhóm, tập trung hay lối tiệm biến, khai thác vai trò của ánh sáng và hiệu quả lực thị giác đều giúp cho những “chữ cái” cất lên tiếng tư duy của tác giả. “Với những modul giản lược vừa mang dáng dấp kỷ hà, vừa có tính biểu tượng như những khái niệm rất phù hợp với không gian kiến trúc châu Âu hiện đại cũng như tinh thần duy lý phương Tây, các tác phẩm của bà đã cấu thành và nổi bật cùng không gian thiên nhiên, biến không gian thiên nhiên trở thành mẫu tự thứ 8 trong một thế giới riêng biệt của người nghệ sĩ. Mặt khác, điều làm cho tác phẩm của Điềm Phùng Thị không xa lạ với tư duy cảm tính phương Đông, đặc biệt “Việt Nam” hơn tất thẩy những gì thuần Việt, đó là sự thể hiện những dạng thức hướng nội” (Lê Thị Mỹ Ý). GS Trần Văn Khê cũng đã nhận xét: “Tượng của chị đã gợi trong lòng tôi những hình ảnh kiến trúc, hội họa và âm nhạc của dân tộc Việt Nam. Tính dân tộc trong công trình điêu khắc của chị gợi cho người xem cái kỳ thú của một sự khám phá cái dịu dàng khi tìm lại được cảnh cũ dấu xưa”.

Những năm cuối đời bà về sinh sống ở Huế và mất tại đây ngày 29/01/2002. Bà đã tặng thành phố Huế gần 400 tác phẩm trong số hàng ngàn tác phẩm của mình trong hành trình hơn 40 năm sáng tạo nghệ thuật. Ở TP. Huế từ 1994 có Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị trưng bày 376 tác phẩm với 498 hiện vật tại 17 Lê Lợi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *